Sự hối hận của người thiết kế ra khẩu AK47 trong bức thư cuối đời
16/01/2014
dantri.com.vn
Sự hối hận của người thiết kế ra khẩu AK47 trong bức thư cuối đời
(Dân trí) - Người sáng tạo ra súng trường AK47 - Mikhail Kalashnikov - trong những ngày tháng cuối đời đã viết “thư xưng tội” gửi người đứng đầu giáo hội công giáo Nga. Trong thư, ông thể hiện sự hối hận, day dứt khi quá nhiều người đã chết dưới họng súng AK47.
Trong thư, ông Mikhail Kalashnikov thể hiện nỗi sợ vẫn ám ảnh mình bấy lâu rằng xét về mặt đạo đức, ông chính là người phải chịu trách nhiệm trước những sinh linh từng thiệt mạng vì súng AK47.
Sự hối hận của người thiết kế ra khẩu AK47 trong bức thư cuối đời
Ông Mikhail Kalashnikov bên khẩu AK47. Tính trung bình cứ 70 người trên thế giới lại có một người sử dụng súng AK47. Đây là súng trường thông dụng nhất thế giới.
Tháng 12 vừa qua, ông Mikhail Kalashnikov đã qua đời ở tuổi 94. Sau khi ông qua đời, người đại diện của Giáo trưởng Kirill đã thông báo cho giới truyền thông biết về sự tồn tại của “lá thư xưng tội” này. Tờ nhật báo Izvestia của Nga đã đăng tải nội dung bức thư để người dân Nga hiểu được phần nào tâm sự của huyền thoại chế tạo vũ khí.
Ông Kalashnikov đã viết “một lá thư dài đầy tâm sự” gửi cho Giáo trưởng Kirill, trong thư, ông cho biết mình đã phải chịu đựng “những nỗi đau tinh thần” khi có quá nhiều người chết vì phát minh của ông. Trước đây, khi còn sống, được biết ông Kalashnikov luôn tránh đề cập tới vấn đề này và từ chối nhận trách nhiệm đối với những người đã chết vì súng AK47.
Sinh thời, Mikhail Kalashnikov được coi là huyền thoại chế tạo vũ khí của quân đội Nga, ông đã dành cả cuộc đời mình để thiết kế, cải tiến và hoàn thiện các khẩu súng trường.
Hơn 100 triệu khẩu Kalashnikov, hay còn được gọi là AK47, đã được bán ra trên khắp thế giới. Khẩu súng trường này đã mang lại danh tiếng cho Kalashnikov nhưng cũng đồng thời là nỗi ám ảnh cuối đời ông.
Sự hối hận của người thiết kế ra khẩu AK47 trong bức thư cuối đời
Bức thư mà ông Kalashnikov gửi cho Giáo trưởng đã cho thấy trong những ngày tháng cuối đời, ông mang nặng cảm giác tội lỗi, đặc biệt là “nỗi đau tinh thần” khi phải chấp nhận một sự thật rằng phát minh của mình chính là một cỗ máy giết người.
Trong thư, ông viết: “Nỗi đau tinh thần của tôi là không thể chịu đựng được. Tôi đã luôn bị dằn vặt bởi cùng một câu hỏi không có lời giải đáp: Có phải khẩu súng trường của tôi đã cướp đi mạng sống của quá nhiều người, nếu quả thực như vậy, tôi - Mikhail Kalashnikov, 94 tuổi, con trai của một người nông dân, một tín đồ công giáo - liệu có phải là người đáng bị nguyền rủa vì cái chết của những sinh linh kia, cho dù đó có là kẻ thù của tôi chăng nữa?”
“Càng sống lâu, càng nhiều câu hỏi xoáy sâu vào đầu óc tôi và tôi càng băn khoăn tự hỏi tại sao Chúa lại để nảy sinh trong con người những mầm mống tội ác của sự tham lam, ích kỷ, lòng ghen tị và thói hung hãn…”, Kalashnikov đặt ra nhiều câu hỏi mang tính triết lý và chiêm nghiệm trong lá thư của mình.
Cuối thư, ông ký tên - “một kẻ nô lệ của Chúa, nhà thiết kế Mikhail Kalashnikov”.
Sự hối hận của người thiết kế ra khẩu AK47 trong bức thư cuối đời
Khẩu Kalashnikov, hay AK47, được coi là một trong những mẫu súng trường thông dụng nhất trên thế giới bởi thiết kế đơn giản, sử dụng hiệu quả, giá thành rẻ.
Trước đây, khi được phóng viên hỏi về suy nghĩ của ông trước vấn đề đạo đức đối với việc thiết kế ra khẩu AK47, ông Kalashnikov từng từ chối nhận trách nhiệm về những người bị thiệt mạng bởi khẩu súng do ông sáng chế ra, thay vào đó, Kalashnikov chỉ ra rằng chính chính sách của các quốc gia đã dẫn tới việc nhiều người thiệt mạng vì súng đạn:
“Tôi thường bị hỏi rằng: Ban đêm ông có ngủ ngon không khi nghĩ tới những người đã mất mạng dưới họng súng do ông sáng chế ra. Tôi thường đáp lại rằng: Tôi ngủ ngon lắm, cảm ơn anh. Thực sự, đó là lỗi của các chính trị gia, những người khơi mào chiến tranh. Khẩu súng của tôi được chế tạo ra chỉ để bảo vệ quê hương. Nếu không phải vì chiến tranh, có lẽ tôi đã làm ra những chiếc máy phục vụ sản xuất nông nghiệp…”
Tuy vậy, khi đến những năm tháng cuối đời, vì một lý do nào đó, ông đã thay đổi suy nghĩ và bị dằn vặt vì chính phát minh nổi tiếng của mình.
Sự hối hận của người thiết kế ra khẩu AK47 trong bức thư cuối đời
Tổng thống Nga Vladimir Putin đi ngang qua bức ảnh chân dung của ông Mikhail Kalashnikov tại lễ tang của ông Kalashnikov diễn ra ở ngoại ô thành phố Moscow ngày 27/12/2013.
Hình ảnh về lễ tang trọng thể của ông Mikhail Kalashnikov.
Hình ảnh về lễ tang trọng thể của ông Mikhail Kalashnikov.
Hình ảnh về lễ tang trọng thể của ông Mikhail Kalashnikov.
“Thật đau lòng cho tôi khi nhìn thấy những kẻ tội phạm sử dụng khẩu AK47 để làm hại dân thường”, ông Kalashnikov từng chia sẻ hồi năm 2008.
Trong lá thư gửi cho Giáo trưởng Kirill, ông Kalashnikov cho biết lần đầu tiên ông bước vào một nhà thờ là ở tuổi 91 và sau đó ông đã xin được tiến hành lễ rửa tội. Có lẽ chính sự quan tâm tới tôn giáo trong những năm tháng cuối đời đã khiến Kalashnikov có những thay đổi mạnh mẽ về quan niệm đạo đức.
Hình ảnh về lễ tang trọng thể của ông Mikhail Kalashnikov.
Ông Mikhail Kalashnikov năm 1949, ở tuổi 30. Đây là thời điểm 2 năm sau khi khẩu AK47 đã được đưa vào sản xuất rộng rãi.
Đại diện của Giáo trưởng Kirill cho biết sau khi nhận được lá thư của ông Kalashnikov, Giáo trưởng đã viết thư trả lời để trấn an ông Kalashnikov trong những ngày tháng cuối đời:
“Nhà thờ có quan điểm rất rõ ràng: Khi vũ khí được sản xuất để phục vụ nhiệm vụ bảo vệ đất nước, nhà thờ sẽ ủng hộ cả người sáng chế và những người lính sử dụng vũ khí đó. Ông đã thiết kế khẩu súng trường này để bảo vệ đất nước, không phải để những kẻ tội phạm, khủng bố sử dụng nó”.
Bích Ngọc
Theo BBC/Dailymai
bich ngoc
dantri.vn